Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa đào tiên
Phương Sóc 方朔
dt. đc. tức Đông Phương Sóc (154 tcn-93 tcn), họ trương, tự là mạn thiến, là một tác gia lớn đời Hán, tính vốn hài hước, ăn nói lưu loát, thường pha trò trước mặt vua, nhưng lại trực ngôn can gián. Sau ông trở thành một nhân vật trong truyền thuyết Trung Hoa với tích Đông Phương Sóc thâu đào. Sách Hán Vũ Cố Sự ghi: ngày lễ thọ hán vũ đế, trước cung điện có ba con chim xanh từ trên trời bay xuống, vũ đế không biết là chim gì. Đông Phương Sóc mới bảo: ‘đó là ba con thanh loan của Tây Vương Mẫu, Vương Mẫu chắc sắp đến giờ.’ quả nhiên Vương Mẫu đến tặng đào tiên mừng thọ vua. Vua định lấy hạt trồng, thì Vương Mẫu bảo: ‘loại đào này ba ngàn năm mới ra quả, chỗ này đất xấu, trồng không được’. Đoạn quay sang trỏ Phương Sóc nói: ‘hắn đã ba lần ăn trộm đào tiên của ta rồi đấy’’. Truyền thuyết sau còn cho rằng Đông Phương Sóc vì ăn đào mà sống một vạn tám ngàn tuổi, nên được coi là Thọ Tinh (ông Thọ). Yến thửa Dao Trì đà có hẹn, chớ cho Phương Sóc đến lân la. (Đào hoa thi 231.4, 232.1).
Vương Mẫu 王母
dt. tức Tây Vương Mẫu, hay Vương Mẫu nương nương, Dao Trì Kim Mẫu, là vị nữ thần trong truyền thuyết Trung Quốc. Tương truyền Vương Mẫu sống ở cung Dao Trì núi Côn Lôn, trong vườn của bà có trồng bàn đào là giống đào tiên, ăn vào trẻ mãi không già. Có ai ướm hỏi tiên Vương Mẫu, tin khá tin, thì ngờ khá ngờ. (Đào hoa thi 232.3).